Thị trường bất động sản (BĐS) giúp các doanh nghiệp hái ra tiền nên nhiều doanh nghiệp đua nhau đổ vốn vào. Vậy nhưng có không ít các doanh nghiệp đã phải lao đao khi thị trường này đóng băng. Vừa qua, khi có dấu hiệu phục hồi, hiện tượng đua nhau đầu tư vào thị trường BĐS lại tái diễn, nhưng rồi mọi thứ sắp tới sẽ ra sao?
Trước thông tin đó , nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại vì việc đầu tư tràn lan, không có định hướng, sẽ khiến thị trường BĐS không khá lên mà ngược lại, mang nhiều yếu tố rủi ro.
Đất nền sốt ảo
Thị trường BĐS phục hồi, nhiều dự án lớn được triển khai và được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho giá trị đất nền được đẩy lên. Đất nền Tp.HCM và vùng ven liên tục sốt giá, cơn sốt ảo đã len lỏi đến từng nhà đầu tư BĐS.
Điển hình như dự án sây bay Quốc tế Long Thành, dự án xây cầu Bình Khánh nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, thông tin về dự án xây cầu Cát Lái nối Tp.HCM và Đồng Nai đi qua Nhơn Trạch… đã làm thị trường đất nền những khu vực có dự án đi qua lên cơn sốt liên hồi.
Đáng nói là khu vực dự án sân bay Quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), cách Tp.HCM khoảng 60 km, hiện nay liên tục có những cơn sốt giá khi nhiều người đầu tư BĐS, dân chơi lướt sóng, “rồng rắn” rủ nhau đi xem đất, mua đất.
Năm 2015, khi thông tin xây dựng sân bay Long Thành được công bố, giá đất tại khu vực có dự án sân bay bắt đầu được đẩy lên cao, đặc biệt trong khoảng thời gian đó, nhiều dự án đất nền đã được triển khai, khiến giá đất nơi này tăng chóng mặt.
Đáng chú ý là giá đất tăng từ 2 triệu đồng/m2 tới 10 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cơn sốt cũng nhanh hạ nhiệt nhanh chóng khi chỉ kéo dài khoảng gần 7 tháng.
Thị trường đất nền: Miếng bánh ” đất nền” có còn ngon?
Việc đầu tư vào BĐS khi mà bản thân chưa am hiểu về thị trường đã dẫn đến những hệ lụy không chỉ cho riêng mỗi cá nhân, gia đình và cả xã hội.
Không chỉ ở Đồng Nai, tại Tp.HCM cuối năm 2016, đầu2017, cơn sốt đất nền như các dự án mọc lên như nấm sau mưa. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu thâu tóm quỹ đất, người môi giới cũng tìm cách ôm đất phân lô để bán với giá trên trời.
Ở Cần Giờ, Tp.HCM, ngay sau thông tin thành phố sẽ xây cầu Bình Khánh nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ để vào trung tâm thành phố và thông tin có nhiều nhà đầu tư về mua đất tại đây làm dự án BĐS lớn đã khiến vùng quê yên bình này bị xáo trộn.
Nhiều người bị vỡ mộng
Dù ở đâu, cơn sốt ảo cũng nhanh chóng qua đi, khiến nhiều nhà đầu tư phong trào nhận quả đắng vì vỡ mộng khi giá đất lao dốc nhanh mà không thể bán nổi.
Phân tích về nguyên nhân nhiều DN, cá nhân, đi theo tâm lý đám đông rồi lún sâu vào nợ nần, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân vẫn nằm ở nhu cầu mua bán, mặt bằng giá cả quyết định, không phụ thuộc vào ý chí của ai, cho dù có hay không cái gọi là “đội lái” BĐS tung tiền thao túng thị trường.
“Trên hiện thực có không ít nhà đầu tư thắng đậm. Xét ở mặt bằng giá thị trường BĐS tại Tp.HCM hiện nay, việc xác lập được giá trị thực hay ảo thật khó phân định. Còn việc giá đất tiếp tục lên, đứng yên hay hạ đột ngột như bong bóng xì hơi, không ai dám khẳng định”, một chuyên gia phân tích.
Ngoài ra , nguyên nhân dẫn đến nhiều nhà đầu tư mất trắng vì BĐS là do tham gia vào thị trường nhà đất nhưng chưa hiểu rõ về giá cả , và thủ tục của nó. Trong khi đó, không ít trường hợp môi giới cố tình vẽ ra “ma trận” về thủ tục pháp lý hoặc “thổi giá” nhằm trục lợi, bất chấp hậu quả xảy ra với người mua.
Chính vì vậy, không ít trường hợp nghe lời các bạn cò, môi giới, bán gia sản và vay mượn thêm để đầu tư vào đất nhưng khi thị trường đóng băng, đành phải ôm nợ khủng, dẫn đến tán gia bại sản.
Bên cạnh đó, còn có một số dự án mới chỉ là ý tưởng, chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng các sàn giao dịch, môi giới đã vội vã thông tin tiếp thị để phỉnh dụ thu hút khách hàng.
Ví dụ như trường hợp anh TT (Tân Bình), dù anh không am hiểu về thị trường BĐS và các thủ tục BDS nhưng khi nghe người quen hứa hẹn về một viễn cảnh tốt đẹp nếu đầu tư, anh đã không ngần ngại đưa vốn liếng và vay ngân hàng để đầu tư.